Trong những ngày tháng Tư lịch sử, hòa trong niềm hân hoan của Nhân dân cả nước hướng về kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước, Nhân dân Quảng Ninh còn tự hào kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Vùng Mỏ 25.4 (1955-2022). Càng đáng trân trọng hơn, khi vừa qua, việc kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn đã được những kết quả hết sức ấn tượng. Từ những gian khó trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, đến chống lại đại dịch toàn cầu càng làm mỗi người dân Quảng Ninh thêm tự hào về truyền thống được hun đúc từ ý chí, nghị lực quật cường qua biết bao thế hệ.

Tự hào truyền thống vùng mỏ

“Kỷ luật và đồng tâm” đã trở thành khẩu hiệu truyền thống của người thợ mỏ cũng xuất phát từ lịch sử hào hùng của cả khu mỏ Hồng Quảng trong thời điểm quân thù còn giày xéo mảnh đất này. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp mở rộng khai thác thuộc địa, nhất là khai thác than ở vùng Quảng Ninh. Việc khai thác mỏ thời bấy giờ hoàn toàn thủ công. Thợ mỏ làm việc trong môi trường vô cùng khổ cực. Những người công nhân lúc đó đã đồng tâm đứng lên đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Từ những cuộc bãi công manh mún đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của hơn 30 nghìn thợ mỏ vào ngày 12.11.1936. Không lâu sau, chủ mỏ đã phải chấp nhận mọi yêu sách của công nhân.

Đầu năm 1945, tình hình ở khu mỏ Cẩm Phả rất phức tạp, Pháp đầu hàng và dâng khu mỏ cho phát xít Nhật. Nhật đàn áp, bắt bớ, đánh đập công nhân rất dã man. Hàng vạn thợ mỏ sống trong cảnh nô lệ, lầm than. Khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, trên địa bàn khu mỏ Cẩm Phả có tới 5 lực lượng cùng quản lý (Pháp, Nhật, Tưởng, Quốc dân Đảng và Việt Minh). Thời điểm đó, công nhân mỏ phải làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, chịu đựng khổ sai, cúp phạt, đòn roi. Bữa ăn của thợ mỏ là những miếng bánh đúc to bằng nửa viên gạch vôi. Đói khát, cực khổ nhưng anh em thợ mỏ vẫn bí mật hoạt động cách mạng, tham gia phá hoại máy móc, tài sản của chủ lò.

Sau khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở nhiều nơi, không khí cách mạng ở Vùng mỏ càng thêm sôi sục. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Vùng Mỏ Cẩm Phả đã vùng lên tham gia giành chính quyền cách mạng về tay Nhân dân… Đến năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hàng vạn người con Cẩm Phả lên đường theo tiếng gọi của non sông. Những người ở lại thì vừa tập trung lao động, sản xuất, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ Vùng mỏ. Ngày 24.4.1955, khu mỏ Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng, công nhân bắt tay vào công cuộc khôi phục mỏ; tổ chức các phong trào thi đua sản xuất, mở rộng quy mô, từng bước nâng cao sản lượng khai thác. Cả Vùng Mỏ khi ấy hừng hực khí thế lao động hăng say.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một lần nữa, Vùng Mỏ lại cùng cả nước vừa lao động và chiến đấu quên mình. Tháng 7.1967, hơn 2.000 thanh niên ưu tú đang làm việc trong các mỏ than đã huy động để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cái tên Binh đoàn Than không phải là phiên hiệu trong quân đội nhưng đã đi vào lịch sử như một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ, rồi bước vào công cuộc xây dựng, kiến thiết cùng cả nước, truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” luôn được người dân Quảng Ninh qua nhiều thế hệ hun đúc, phát huy. Thực hiện di nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Với tầm nhìn mới, cách làm mới, tỉnh đã tìm ra được hướng đi bền vững trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa sản xuất công nghiệp với dịch vụ, du lịch và thương mại. Chuyển dịch mạnh mẽ “từ nâu sang xanh”, tập trung đầu tư để phát huy tốt nhất các thế mạnh.

Đến với Quảng Ninh hôm nay, ấn tượng không chỉ ở hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông đồng bộ, hiện đại, quan trọng hơn, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, khoảng cách, chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực, vùng miền được rút ngắn. Trên cơ sở định hướng từ các quy hoạch, tỉnh đã dành nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn.

Trong thực tiễn sinh động của Quảng Ninh, luôn có một bài học quan trọng được tỉnh xác định nhất quán: Để đi từ thành công này đến thành công khác, không thể thiếu sự đồng thuận của Nhân dân. Minh chứng rõ nét nhất không đâu xa mà ngay ở chính cuộc chiến cùng cả nước ngăn chặn đẩy lùi Covid-19, sự hiệp lực, đồng tâm cả hệ thống chính trị, ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng giúp Quảng Ninh tạo nên một lá chắn vững chắc trong ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh để ổn định, tạo đà cho phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất này, chúng tôi bất chợt nghĩ đến câu nói của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trong một chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh: “Mỗi lần đến Quảng Ninh, tôi lại thấy một Quảng Ninh năng động, sáng tạo, phát triển và đổi mới không ngừng. Từ đổi mới trong xây dựng Đảng đến đổi mới trong phát triển kinh tế; cải cách hành chính; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch dịch vụ; thu hút đầu tư…”.

Quảng Ninh những ngày này, vẫn vẹn nguyên ký ức tháng Tư và tràn căng khát khao vươn tới!

ĐỒNG CHÍ VŨ VĂN HIẾU – BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU UỶ KHU MỎ QUẢNG NINH

Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/03/1907, quê ở ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương (nay là xóm 10, xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Ngày 29/09/1928, Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Bắc Kỳ quyết định cử cán bộ, hội viên đi “Vô sản hoá” ở các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, trong đó có khu mỏ Hòn Gai. Tháng 10/1929, đồng chí Vũ Văn Hiếu được Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Hòn Gai giao nhiệm vụ thử thách và đến tháng 11/1929, đồng chí trở thành đảng viên cộng sản, bí danh là Sơn, sinh hoạt tại Chi bộ Hòn Gai và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Hà Tu – Núi Béo.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ở khu mỏ, cuối tháng 2/1930 đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê, sau đó các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông cũng lần lượt được thành lập. Lúc này, đồng chí Vũ Văn Hiếu được phân công phụ trách công tác in ấn tài liệu, công tác kinh tế và trực tiếp phụ trách cơ sở ở Hà Tu của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Hòn Gai.

Tháng 04/1930, Đảng uỷ mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả và Đảng uỷ Uông Bí – Vàng Danh được thành lập, đồng chí Vũ Văn Hiếu được cử làm Bí thư Đảng uỷ mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả. Đồng chí và Đảng uỷ vừa thành lập đã chuẩn bị cho một cao trào đấu tranh mạnh mẽ trong toàn khu mỏ, mở đầu là cuộc bãi công ngày 08/04/1930 của công nhân nhà sàng Cửa Ông chống đuổi thợ, chống đánh đập, giảm giờ làm ca đêm, tăng tiền lương 20%. Cuối cùng, bọn chủ mỏ phải chấp nhận tăng lương cho công nhân, cuộc đấu tranh thắng lợi đã cổ vũ phong trào công nhân toàn khu mỏ.

Đêm ngày 17/05/1930, mật thám Pháp đã bắt đồng chí Vũ Văn Hiếu và 4 đảng viên khác nhưng do không đủ chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho đồng chí.

Sau khi ra khỏi nhà giam, đồng chí Vũ Văn Hiếu bắt tay vào việc khôi phục cơ sở, gây dựng lại phong trào. Tháng 09/1930, cấp trên quyết định tách Đảng uỷ Hòn Gai – Cẩm Phả thành hai Đảng uỷ, đồng chí Vũ Văn Hiếu được điều ra Cẩm Phả làm Bí thư Đảng uỷ Cẩm Phả – Cửa Ông. Mặc dù bị địch phá hoại nặng vào giữa tháng 05/1930, nhưng đến đầu tháng 10/1930, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã lãnh đạo và chỉ đạo phục hồi nhanh chóng cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng ở vùng Cẩm Phả – Cửa Ông.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã quyết định thành lập ở Khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều – Hòn Gai – Cẩm Phả. Đảng bộ Đặc khu uỷ mỏ Đông Triều – Hòn Gai – Cẩm Phả được thành lập và đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư Đặc khu uỷ.

Ngày 09/02/1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng một số đồng chí khác bị địch bắt ngay tại cơ quan Đảng uỷ Cẩm Phả – Cửa Ông. Ngày 13/05/1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu ra xử tại Hội đồng Đề hình Hà Nội cùng với hơn 40 cán bộ, đảng viên khác; chúng đã kết án đồng chí 20 năm tù cầm cố và đầy ra nhà lao Côn Đảo.

Tháng 11/1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được trả tự do cùng gần 200 người khác. Ra tù được ít ngày, đồng chí đã quyết định ra mỏ tìm lại cơ sở cũ, tuy nhiên, mật thám Pháp đã không cho đồng chí đặt chân lên đất mỏ, đồng chí phải trở lại Hà Nội hoạt động.

Ngày 01/09/1939, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp trở mặt, đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương. Trước tình hình mới, Đảng ta chủ trương đưa mọi tổ chức vào hoạt động bí mật. Thời gian này, đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ giúp việc cho Tổng bí thư Đảng Nguyễn Văn Cừ. Cuối năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương lần thứ 6, đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao phụ trách cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng.

Đêm ngày 17, rạng ngày 18/01/1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị mật thám Pháp bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Thiện Tấn, Phạm Chương, Phan Văn Voi… Tám tháng tra tấn ròng rã nhưng không khuất phục được các chiến sĩ cách mạng, giặc Pháp đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu ra xét xử cùng với một số đồng chí khác. Không có đủ chứng cứ để kết trọng tội nên tháng 09/1940, Toà tiểu hình Sài Gòn xử và kết án đồng chí Vũ Văn Hiếu 5 năm tù lưu đày, tháng 10/1940, Toà án binh thường trực Sài Gòn lại xử, kết án thêm 5 năm lưu đày. Đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Ra Côn Đảo, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bệnh lao tái phát, hành hạ. Biết mình không sống nổi, được cơ sở bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn và nói: “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng. Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng”.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943 khi mới 36 tuổi đời tại nhà tù Côn Đảo. Ghi nhận công lao đóng của đồng chí cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 2015, Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Vũ Văn Hiếu.

Ngày 05/11/2016, tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu đã được tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam khánh thành, trong quần thể Công viên hoa Lán Bè, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách thăm viếng.

NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM THỐNG NHẤT – 25/4/1976

Cách đây 46 năm, vào ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức đi bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xoá bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

Đông đảo cử tri, nhân dân cả nước đi bầu cử

Nguồn:ITN

Tuy nhiên, dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chính quyền các cấp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Ở miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Ủy ban nhân dân cách mạng ở địa phương.

Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Để thực hiện nhiệm vụ này, đại biểu nhân dân hai miền Nam– Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị để bàn về thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước (tháng 11/1975). Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định “cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”.

Trên cơ sở thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị, Bộ chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 03/01/1976, yêu cầu các cấp ủy đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử. Theo Chỉ thị số 228-CT/TW, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam”.

Đây là những nguyên tắc cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ, được tiếp tục kế thừa từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cách đó đúng 30 năm.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước diễn ra trong điều kiện hoà bình. Nguyện vọng tha thiết trước sau như một của nhân dân ta là nước nhà độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực. Nhân dân ta bước vào cuộc Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, cuộc tổng tuyển cử cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhân dân ta vừa phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, để lại những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân. Ở miền Nam, những tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, vẫn còn những hoạt động phá hoại của các thế lực phản động dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức vũ trang. Tình hình đó đòi hỏi phải ra sức phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân, động viên tinh thần yêu nước, bảo đảm thắng lợi cho cuộc bầu cử.

Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25/4/1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ta ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn đến sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”.

Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới để lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân. Để bảo đảm cho cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi, công tác tuyên truyền, vận động không những được tiến hành thông qua các cuộc học tập, thảo luận, mà còn được đẩy mạnh qua các công tác quan trọng khác như điều tra dân số, lập danh sách cử tri, trao đổi ý kiến về danh sách ứng cử viên…

Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ, cả nước đã bầu đủ số đại biểu theo quy định ở ngay vòng đầu. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, cùng với thắng lợi của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Như vậy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (06/01/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng nước nhà. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử không những đem lại niềm tự hào cho nhân dân cả nước, cho kiều bào ta ở nước ngoài, mà còn là tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Thắng lợi này có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam, trong vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử đưa đến sự ra đời của Quốc hội khóa VI- Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Đó là sự kế thừa và phát triển liên tục từ Quốc hội khóa I năm 1946, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Với mục tiêu thể chế hóa đường lối chiến lược của Đảng, Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách xây dựng một bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất, Hiến pháp 1980, thể hiện một bước phát triển mới trong công tác lập hiến. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tổng kết và xác định những thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được qua nửa thế kỷ đấu tranh để giành độc lập, tự do; thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 46 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976– 25/4/2022) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại ngày lịch sử của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam. Kế thừa truyền thống đó, cho đến nay, Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1-5: NGÀY HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9-1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh – nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.

Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.

Tháng 4-1884 tại thành phố công nghiệp lớn Si-ca-gô, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 1-5-1886, ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ.

Ngày 1-5-1886, công nhân toàn thành phố Si-ca-gô tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mittinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như Niu-Oóc, Pi-Xbớc, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn… có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân. Ở nhiều nơi, cảnh sát đã đàn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt ở thành phố Si-ca-gô, cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình.

Mặc dù cuộc bãi công ở Si-ca-gô bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Si-ca-gô. Vì thế, tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14-7-1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890, lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1-5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

Ngày 1-5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 1-5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1-5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 – 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mittinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.

Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.